BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
Số: 20/2010/TT-BTNMT
|
Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2010
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH BỔ SUNG VỀ GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ TÀI SẢN KHÁC GẮN LIỀN VỚI ĐẤT
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 19 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nghị định số 19/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 và Nghị định số 89/2010/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2008/NĐ-CP.
Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định bổ sung về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định bổ sung về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Giấy chứng nhận), hồ sơ và trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan quản lý nhà nước; cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường, nhà ở và công trình xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài chính và các cơ quan khác có liên quan; cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn.
2. Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, tổ chức và cá nhân khác có liên quan.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Trang bổ sung Giấy chứng nhận
1. Ban hành kèm theo Thông tư này Trang bổ sung Giấy chứng nhận để xác nhận thay đổi đối với Giấy chứng nhận đã cấp trong các trường hợp sau đây:
a) Thế chấp hoặc xóa thế chấp bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
b) Cho thuê, cho thuê lại đất hoặc xóa cho thuê, cho thuê lại đất của doanh nghiệp đầu tư hạ tầng trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
2. Đối với các loại Giấy chứng nhận đã cấp trước đây có quy định sử dụng Trang bổ sung thì sử dụng Trang bổ sung Giấy chứng nhận theo quy định tại Thông tư này nếu người sử dụng đất có yêu cầu.
3. Trang bổ sung Giấy chứng nhận có mầu trắng; kích thước và nội dung như trang 4 của Giấy chứng nhận; có thể hiện số hiệu thửa đất, số phát hành Giấy chứng nhận, số vào sổ cấp Giấy chứng nhận như đã thể hiện trên Giấy chứng nhận đã cấp; loại giấy sử dụng theo tiêu chuẩn của Giấy chứng nhận (giấy Offset định lượng 160g/m2±5%).
4. Việc ghi nội dung xác nhận và thẩm quyền xác nhận vào Trang bổ sung Giấy chứng nhận được thực hiện theo quy định tại Điều 12 và Điều 22 của Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT) và quy định bổ sung tại Thông tư này.
5. Khi sử dụng Trang bổ sung Giấy chứng nhận phải ghi số thứ tự Trang bổ sung và đóng dấu giáp lai với trang 4 của Giấy chứng nhận (dấu của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có thẩm quyền xác nhận đăng ký biến động); ghi chú: “Kèm theo Giấy chứng nhận này có Trang bổ sung số: 01, …” vào cuối trang 4 của Giấy chứng nhận; ghi vào cột ghi chú của Sổ cấp Giấy chứng nhận số Trang bổ sung đã cấp.
Điều 4. Cấp Giấy chứng nhận, xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp khi chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, chuyển từ hình thức thuê đất sang hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất
1. Trường hợp chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là tài sản gắn liền với đất) dưới các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho hoặc góp vốn hình thành pháp nhân mới đối với toàn bộ diện tích đất, tài sản gắn liền với đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì thu hồi Giấy chứng nhận của bên chuyển quyền và cấp Giấy chứng nhận mới cho bên nhận chuyển quyền.
Nếu bên nhận chuyển quyền có yêu cầu sử dụng Giấy chứng nhận của bên chuyển quyền thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất xác nhận chuyển quyền vào trang 3, 4 của Giấy chứng nhận đã cấp với nội dung: "Chuyển nhượng (hoặc Chuyển đổi, Để thừa kế,…) cho … (ghi tên và địa chỉ của bên nhận quyền) theo hồ sơ số … (ghi số thứ tự của hồ sơ đăng ký biến động)".
2. Trường hợp chuyển quyền một phần diện tích thửa đất, tài sản gắn liền với đất thì thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp (nếu Giấy chứng nhận cấp cho một thửa đất); bên nhận chuyển quyền và bên chuyển quyền được cấp Giấy chứng nhận mới.
Nếu bên chuyển quyền có yêu cầu sử dụng Giấy chứng nhận đã cấp thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất xác nhận vào trang 3, 4 của Giấy chứng nhận với nội dung “Thửa đất số…đã tách thửa để chuyển quyền theo hồ sơ số … (ghi số thứ tự của hồ sơ đăng ký biến động); diện tích không chuyển quyền là…m2 có số thửa mới là …"; trường hợp có chuyển quyền sở hữu một phần tài sản gắn liền với đất thì tiếp theo ghi các thông tin về phần tài sản còn lại không chuyển quyền.
3. Trường hợp người sử dụng đất chuyển từ hình thức thuê đất sang hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất thì nội dung xác nhận thay đổi vào mục IV của Trang bổ sung Giấy chứng nhận được ghi: “Chuyển sang hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất từ ngày …/…/… theo hồ sơ số… (ghi số thứ tự của hồ sơ đăng ký biến động)”.
Điều 5. Viết Giấy chứng nhận trong trường hợp chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có phần sở hữu chung và có phần sở hữu riêng
Trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận có một phần tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu riêng và một phần tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu chung thì Giấy chứng nhận được ghi theo quy định tại Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT và quy định bổ sung như sau:
1. Trên trang 1 của Giấy chứng nhận, sau khi ghi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận theo quy định, dòng tiếp theo được ghi như sau:
a) Ghi “Cùng sử dụng đất và cùng sở hữu một phần tài sản với người khác” đối với trường hợp cùng sử dụng đất và cùng sở hữu một phần tài sản gắn liền với đất;
b) Ghi “Cùng sở hữu một phần tài sản với người khác” đối với trường hợp cùng sở hữu một phần tài sản gắn liền với đất.
2. Tại điểm ghi thông tin về tài sản gắn liền với đất phải thể hiện từng phần tài sản thuộc sở hữu riêng và phần tài sản thuộc sở hữu chung như sau:
a) Trường hợp tài sản thuộc sở hữu riêng và tài sản thuộc sở hữu chung là các tài sản hoặc các hạng mục tài sản khác nhau thì lập bảng để liệt kê thông tin về từng tài sản hoặc từng hạng mục tài sản; tại cột “Hạng mục công trình” phải ghi chú rõ “Sở hữu riêng” hoặc “Sở hữu chung” như ví dụ dưới đây:
Hạng mục hoặc căn hộ số
|
Diện tích xây dựng
(m2)
|
Diện tích sàn hoặc công suất
|
Kết cấu chủ yếu
|
Cấp công trình
|
Số tầng
|
Năm HT xây dựng
|
Thời hạn sở hữu
|
Nhà ở 01
(Sở hữu riêng)
|
50
|
120
|
Bê tông cốt thép
|
02
|
03
|
1995
|
-/-
|
Cửa hàng
(Sở hữu chung)
|
25
|
25
|
Tường gạch mái ngói
|
03
|
01
|
1980
|
-/-
|
b) Trường hợp tài sản thuộc sở hữu riêng và tài sản thuộc sở hữu chung là các phần khác nhau trong cùng một công trình thì thể hiện các nội dung thông tin chung của công trình đó gồm địa chỉ, diện tích xây dựng, kết cấu, cấp (hạng), số tầng, năm hoàn thành xây dựng. Thông tin về diện tích sàn sử dụng được thể hiện theo từng phần thuộc sở hữu riêng và phần sở hữu chung như ví dụ dưới đây:
“2. Nhà ở:
+ Địa chỉ: số 17 đường Đại La, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội;
+ Diện tích xây dựng: 120 m2;
+ Kết cấu: Bê tông cốt thép;
+ Cấp (hạng): 02 ; số tầng: 05 ; Năm hoàn thành xây dựng: 2001
Hạng mục hoặc căn hộ số
|
Tầng số
|
Diện tích sàn (m2)
|
Thời hạn sở hữu
|
Căn hộ 401
(Sở hữu riêng)
|
04
|
65,0
|
-/-
|
Phòng khách 101
(Sở hữu chung)
|
01
|
65,7
|
-/-
|
Điều 6. Viết Giấy chứng nhận đối với trường hợp không chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
Trường hợp tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận mà thửa đất không có tài sản gắn liền với đất hoặc có tài sản gắn liền với đất nhưng người sử dụng đất (đồng thời là chủ sở hữu tài sản) chưa có nhu cầu chứng nhận quyền sở hữu tài sản hoặc có tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của người khác hoặc có đề nghị chứng nhận quyền sở hữu tài sản nhưng không đủ điều kiện chứng nhận thì tại điểm ghi về tài sản gắn liền với đất trên trang 2 của Giấy chứng nhận được thể hiện bằng dấu “-/-”. Ví dụ:
“2. Nhà ở: -/-
3. Công trình xây dựng khác: -/-
4. Rừng sản xuất là rừng trồng: -/-
5. Cây lâu năm: -/-”.
Điều 7. Đo vẽ sơ đồ thửa đất, tài sản gắn liền với đất khi cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận hoặc đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
1. Khi cấp đổi Giấy chứng nhận hoặc khi đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà phải cấp Giấy chứng nhận mới thì không phải đo vẽ lại sơ đồ thửa đất, tài sản gắn liền với đất. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải tự đo vẽ sơ đồ thửa đất, sơ đồ tài sản gắn liền với đất, trừ các trường hợp nêu tại khoản 2 Điều này.
Sơ đồ, số liệu về thửa đất, tài sản gắn liền với đất trên Giấy chứng nhận mới được thể hiện theo đúng Giấy chứng nhận cũ đã cấp.
Trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận hoặc đăng ký biến động ở địa phương đã đo vẽ bản đồ địa chính thay thế các tài liệu, số liệu đo đạc tạm thời trước đây thì sơ đồ, số liệu của thửa đất trên Giấy chứng nhận mới phải được thể hiện thống nhất theo bản đồ địa chính mới.
2. Các trường hợp chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải nộp sơ đồ tài sản gắn liền với đất khi cấp đổi Giấy chứng nhận hoặc đăng ký biến động về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất gồm:
a) Chuyển quyền sở hữu một phần tài sản gắn liền với đất trên Giấy chứng nhận đã cấp;
b) Có nhu cầu chứng nhận bổ sung tài sản gắn liền với đất hoặc thay đổi vị trí, ranh giới, diện tích của tài sản gắn liền với đất so với trên Giấy chứng nhận đã cấp.
Điều 8. Nội dung mã vạch Giấy chứng nhận đối với trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Trường hợp cấp Giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì ghi thêm mã của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (theo quy định tại Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam) vào trước mã của xã, phường, thị trấn nơi có đất.
Điều 9. Trình tự thực hiện việc chuyển thông tin địa chính cho cơ quan thuế và việc trình cơ quan có thẩm quyền ký Giấy chứng nhận hoặc xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp, trao Giấy chứng nhận
1. Việc chuyển thông tin, số liệu địa chính cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện sau khi hoàn thành thẩm tra hồ sơ, trừ các trường hợp sau:
a) Không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận hoặc xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp;
b) Đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận hoặc xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp nhưng đã có đơn đề nghị ghi nợ (nộp kèm theo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận, hồ sơ đăng ký biến động) và thuộc đối tượng được ghi nợ theo quy định của pháp luật;
c) Đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận hoặc xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp nhưng không thuộc trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
2. Việc lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền ký Giấy chứng nhận hoặc xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp được thực hiện sau khi chuyển thông tin, số liệu địa chính cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Việc trao Giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 3 Điều 3 của Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Nghị định số 88/2009/NĐ-CP) được thực hiện như sau:
a) Trường hợp không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật thì Giấy chứng nhận được trao ngay sau khi cơ quan tiếp nhận hồ sơ nhận được Giấy chứng nhận đã ký;
b) Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến cấp Giấy chứng nhận (trừ trường hợp nộp tiền thuê đất hàng năm) thì Giấy chứng nhận được trao ngay sau khi người được cấp Giấy chứng nhận nộp chứng từ hoàn thành nghĩa vụ tài chính;
c) Trường hợp trả tiền thuê đất hàng năm thì Giấy chứng nhận được trao sau khi người sử dụng đất đã ký hợp đồng thuê đất với cơ quan tài nguyên và môi trường;
d) Trường hợp được miễn nghĩa vụ tài chính liên quan đến cấp Giấy chứng nhận thì Giấy chứng nhận được trao sau khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc được miễn nghĩa vụ tài chính.
Điều 10. Hình thức nộp giấy tờ khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận hoặc đăng ký biến động về đất đai, tài sản gắn liền với đất
1. Khi nộp các giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại các Điều 7, 8, 9 và 10 của Nghị định số 88/2009/NĐ-CP để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận hoặc đăng ký biến động về đất đai, tài sản gắn liền với đất thì người nộp hồ sơ được lựa chọn một trong các hình thức sau:
a) Nộp bản sao giấy tờ, đã có chứng nhận hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực;
b) Nộp bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chiếu và xác nhận vào bản sao;
c) Nộp bản chính giấy tờ.
Trường hợp nộp bản sao thì khi nhận Giấy chứng nhận, người được cấp Giấy phải nộp bản chính các giấy tờ quy định tại khoản này cho cơ quan trao Giấy chứng nhận.
2. Khi nộp chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận hoặc đăng ký biến động về đất đai, tài sản gắn liền với đất thì người nộp hồ sơ được lựa chọn một trong các hình thức sau:
a) Nộp bản sao đã có chứng nhận hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực;
b) Nộp bản sao và xuất trình bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chiếu và xác nhận vào bản sao;
c) Nộp bản chính (đối với trường hợp có 2 bản chính).
Điều 11. Cấp lại Giấy chứng nhận bị mất
1. Trường hợp mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng thì được cấp lại bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo thủ tục quy định tại Điều 24 của Nghị định số 88/2009/NĐ-CP.
2. Việc nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận bị mất được thực hiện sau ba mươi (30) ngày, kể từ ngày đăng tin về việc mất Giấy chứng nhận trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương (đối với trường hợp của tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài) hoặc kể từ ngày niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (đối với trường hợp của hộ gia đình và cá nhân trong nước).
Điều 12. Đính chính các loại Giấy chứng nhận đã cấp quy định tại Điều 25 của Nghị định số 88/2009/NĐ-CP
1. Việc đính chính nội dung sai sót trên Giấy chứng nhận đã cấp được thực hiện sau khi có đơn đề nghị hoặc phản ánh của người được cấp Giấy chứng nhận hoặc có văn bản của tổ chức, cá nhân có liên quan về việc phát hiện nội dung sai sót trên Giấy chứng nhận.
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm kiểm tra, ghi nội dung đính chính trên Giấy chứng nhận theo quy định tại điểm q khoản 1 Điều 12 của Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT để cơ quan tài nguyên và môi trường xác nhận.
2. Trường hợp đính chính mà người được cấp Giấy chứng nhận có yêu cầu cấp Giấy chứng nhận mới hoặc trường hợp có nhiều nội dung đính chính thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền để cấp Giấy chứng nhận mới.
Điều 13. Cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất
1. Trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà chưa được cấp Giấy chứng nhận thì người đang sử dụng đất nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Nghị định số 88/2009/NĐ-CP.
2. Trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2004 trở về sau thì người được giao đất, thuê đất không phải nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận; việc cấp Giấy chứng nhận và cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính được thực hiện gắn với thủ tục giao đất, cho thuê đất mà không tách thành thủ tục riêng.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2010.
2. Bãi bỏ các quy định sau:
a) Khoản 9 Điều 6, điểm k khoản 1 Điều 12 và điểm đ khoản 1 Điều 19 của Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT;
b) Đoạn “(Về việc niêm yết thông báo mất GCN đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đề nghị cấp lại GCN bị mất)” tại mục II của mẫu Đơn đề nghị cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận (Mẫu số 02/ĐK-GCN);
c) Các quy định khác đã ban hành trái với quy định tại Thông tư này.
Điều 15. Trách nhiệm thực hiện
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện Thông tư này ở địa phương.
2. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện ở địa phương theo đúng quy định tại Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét giải quyết./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Mạnh Hiển
|