Thực hiện Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020”, thứ Tư, ngày 30/12/2015, tại Hội trường Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (số 1B Trần Phú, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội), Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 2104/QĐ-TTg giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Hội nghị đã diễn ra dưới sự chủ trì của ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Tham gia buổi Hội nghị này có đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân; Lãnh đạo Sở Tư pháp; các Trưởng phòng Tư pháp các quận huyện, đại diện lãnh đạo các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố Hà Nội cùng đại diện các ban ngành có liên quan. Tại buổi Hội nghị này, Ông Tuấn Đạo Thanh - Phó chủ tịch Hội Công chứng - Trưởng phòng Công chứng số 1 thành phố Hà Nội đã tham gia và phát biểu hội Hội nghị này. Ý kiến của Ông Tuấn Đạo Thanh chủ yếu xoay quanh các vấn đề như: chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng, cơ chế phối hợp giữa hệ thống các tổ chức hành nghề công chứng vơi các cơ quan hữu quan như thuế, văn phòng đăng ký đất và nhà…
Tập trung nâng cao chất lượng các hoạt động công chứng (15:40 30/12/2015)
HNP - Sáng 30/12, UBND TP Hà Nội tổ chức sơ kết việc thực hiện Quyết định số 2104/QĐ-TTg, ngày 29/12/2012, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020” trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì hội nghị.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, thành phố Hà Nội có 121 tổ chức hành nghề công chứng; Theo đó, đến hết ngày 31/8/2015, toàn Thành phố có 104 tổ chức hành nghề công chứng (10 Phòng Công chứng và 94 Văn phòng công chứng) với 416 công chứng viên, phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã, đáp ứng nhu cầu công chứng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.
Từ năm 2012 đến hết tháng 10/2015, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn Thành phố đã công chứng được hơn 800.000 giao dịch, thu gần 450 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 80 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 1.200 người lao động. Trong quá trình hoạt động, Sở Tư pháp cùng với Hội Công chứng Hà Nội đã phối hợp, trợ giúp, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công chứng viên; phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp nhằm đưa hoạt động công chứng vào nề nếp, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của nghề công chứng ở Hà Nội.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an Thành phố, Cục Thi hành án dân sự, UBND các quận, huyện, thị xã và Hội Công chứng viên thành phố trong việc chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan đến hoạt động công chứng, vận hành Chương trình quản lý thông tin ngăn chặn và thông tin về giao dịch đã công chứng (UCHI) góp phần bảo đảm an toàn cho các giao dịch công chứng.
Sau khi nghe các ý kiến của các văn phòng công chứng, phòng công chứng, Phó chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: cần xác định ngành nghề công chứng là dịch vụ công, luôn lấy tiêu chí phục vụ nhân dân, đem lại hiệu quả nhanh chóng, kịp thời cho người dân khi thực hiện các giao dịch. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác này, trong thời gian tới, Sở Tư pháp cần tham mưu cho thành phố thiết lập mạng lưới công chứng thuận tiện nhất cho người dân (dựa trên cơ sở khảo sát thực tế để đặt văn phòng công chứng tránh nơi nhiều, nơi ít, nơi không có).
Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các đơn vị đến từng quận, huyện, thị xã đánh giá: tốc độ phát triển kinh tế xã hội của huyện, quận, xác định tình hình giao dịch nhà cửa đất đai, tốc độ đô thị hóa để ra nghiên cứu xây dựng hệ thống, quy hoạch các văn phòng công chứng. Đánh giá được những bất cập, những hợp lý và cần sớm kiến nghị để có phương án giải quyết kịp thời.
Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: về những vướng mắc mang tính chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực công chứng, Sở Tư pháp cần tổng hợp và phân nhóm để UBND thành phố và Bộ Tư pháp kịp thời tháo gỡ. Ngoài ra, cần chú trọng hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng.