BÀN VỀ MỘT VÀI NỘI DUNG MỚI
TRONG LUẬT CÔNG CHỨNG NGÀY 20/06/2014
|
Tuấn Đạo Thanh
Phòng Công chứng số 1 T.P Hà Nội
Nguyễn Duy Ninh
Phòng Công chứng số 1 T.P Hà Nội
|
Sau khoảng 7 năm đi vào cuộc sống, bên cạnh những ưu điểm nổi trội, Luật Công chứng ngày 29/11/2006 đã bộc lộ một số bất cập, cần phải điều chỉnh. Chính vì vậy, Luật Công chứng ngày 20/6/2014 ra đời thay thế cho Luật Công chứng ngày 29/11/2006 như là một tất yếu. Ngoài việc kế thừa, phát huy những thành tựu lập pháp của Luật Công chứng ngày 29/11/2006, Luật Công chứng ngày 20/6/2014 cũng đã đưa ra rất nhiều quy định mới, xa lạ với tư duy pháp lý truyền thống như ban hành mức trần thù lao công chứng (xem Khoản 2, Điều 67, Luật Công chứng ngày 20/6/2014), quy định vị trí, vai trò của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên (xem Điều 39, Luật Công chứng ngày 20/6/2014), chuyển đổi, giải thể phòng công chứng (xem Điều 21, Luật Công chứng ngày 20/6/2014), chuyển nhượng văn phòng công chứng (xem Điều 29, Luật Công chứng ngày 20/6/2014), bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên (xem Điều 37, Luật Công chứng ngày 20/6/2014)... Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không có tham vọng đi sâu tìm hiểu, phân tích tất cả những điểm mới của Luật Công chứng ngày 20/6/2014 mà chỉ mong muốn đánh giá một vài quy định có liên quan trực tiếp tới hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ công chứng. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, công chứng bản dịch. Điều 61, Luật Công chứng ngày 20/6/2014 xác định trình từ, thủ tục “Công chứng bản dịch” như sau “1. Việc dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để công chứng phải do người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Cộng tác viên phải là người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài đó. Cộng tác viên phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện.
2. Công chứng viên tiếp nhận bản chính giấy tờ, văn bản cần dịch, kiểm tra và giao cho người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình thực hiện. Người phiên dịch phải ký vào từng trang của bản dịch trước khi công chứng viên ghi lời chứng và ký vào từng trang của bản dịch.
Từng trang của bản dịch phải được đóng dấu chữ “Bản dịch” vào chỗ trống phía trên bên phải; bản dịch phải được đính kèm với bản sao của bản chính và được đóng dấu giáp lai.
3. Lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng; họ tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; họ tên người phiên dịch; chứng nhận chữ ký trong bản dịch đúng là chữ ký của người phiên dịch; chứng nhận nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
4. Công chứng viên không được nhận và công chứng bản dịch trong các trường hợp sau đây:
a) Công chứng viên biết hoặc phải biết bản chính được cấp sai thẩm quyền hoặc không hợp lệ; bản chính giả;
b) Giấy tờ, văn bản được yêu cầu dịch đã bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt hoặc bị hư hỏng, cũ nát không thể xác định rõ nội dung;
c) Giấy tờ, văn bản được yêu cầu dịch thuộc bí mật nhà nước; giấy tờ, văn bản bị cấm phổ biến theo quy định của pháp luật,
5. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết mẫu lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch”. Trở lại với lịch sử hình thành và phát triển chế định công chứng của nước ta, chúng ta thấy thẩm quyền chứng nhận bản dịch là một nhiệm vụ mang tính truyền thống của hoạt động công chứng nhưng bị gián đoạn tại Luật Công chứng ngày 29/11/2006. Theo nhận định của chúng tôi, việc giao lại cho công chứng viên thẩm quyền công chứng bản dịch ở Luật Công chứng ngày 20/6/2014 là một bước đi cần thiết nhằm đưa thiết chế công chứng Việt Nam tiệm cận với thiết chế công chứng của các quốc gia khác trên thế giới. Nhận xét kể trên được đưa ra sau khi chúng tôi tham khảo pháp luật công chứng của một số quốc gia đại diện cho cả trường phái công chứng nội dung (như Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức...) cũng như trường phái công chứng hình thức (như Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Vương quốc Anh...) đều trao cho công chứng viên thẩm quyền chứng nhận bản dịch. Từ nội dung Điều 61, Luật Công chứng ngày 20/6/2014 như đã trích dẫn kể trên, chúng tôi thấy nổi lên một vài điểm cần chú ý như sau:
- Căn cứ nội dung Khoản 1, Điều 61, Luật Công chứng ngày 20/6/2014, chúng ta thấy dường như công chứng Việt Nam chỉ được quyền công chứng bản dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài mà thôi. Điều này có nghĩa về mặt nguyên tắc công chứng viên sẽ không được công chứng bản dịch từ một thứ tiếng nước ngoài này sang một thứ tiếng nước ngoài khác. Ví dụ, công chứng viên chỉ có thể chứng nhận bản dịch giấy tờ, tài liệu từ tiếng Anh sang tiếng Việt hoặc ngược lại chứ không có quyền chứng nhận bản dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt rồi sang tiếng Pháp hay trực tiếp từ tiếng Anh sang tiếng Pháp trong trường hợp người phiên dịch thông thạo cả hai ngôn ngữ kể trên.
- Theo Khoản 2, Điều 61, Luật Công chứng ngày 20/6/2014, việc công chứng bản dịch chỉ được thực hiện trong trường hợp giấy tờ, tài liệu yêu cầu dịch thuật phải thể hiện dưới hình thức bản chính. Cách thức quy định như vậy tạo ra không ít khó khăn cho người yêu cầu công chứng trong trường hợp đương sự yêu cầu công chứng bản dịch đối với loại giấy tờ, tài liệu mà họ không thể xuất trình được bản chính bởi các lý do khác nhau. Chưa kể nội dung quy định nêu trên tỏ ra không phù hợp với nội dung một số văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan như: Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 04/2012/NĐ-CP ngày 20/1/2012 hay Điều 251, Bộ luật Tố tụng Dân sự ngày 15/6/2004, đã được sửa đổi, bổ sung ngày 29/03/2011...
- Từ nội dung Khoản 1 và Khoản 3, Điều 61, Luật Công chứng ngày 20/6/2014, chúng ta thấy cả công chứng viên và người phiên dịch đều phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch theo trình tự người phiên dịch chịu trách nhiệm trước công chứng viên và đến lượt mình, công chứng viên chịu trách nhiệm trước người yêu cầu công chứng. Theo nhận định của cá nhân chúng tôi, cách thức quy định kể trên hoàn toàn phù hợp với tính chất dịch vụ của hoạt động công chứng nhưng hiển nhiên gây ra một sự nhầm lẫn không đáng có. Do phải “chứng nhận nội dung bản dịch là chính xác” nên công chứng viên sẽ ngần ngại khi phải chứng nhận bản dịch với loại ngôn ngữ mà mình không thông thạo. Tuy nhiên, giả thiết trên lại thường xuyên xảy ra trên thực tế.
Dưới cái nhìn của một công chứng viên, chúng tôi cho rằng điểm khác biệt lớn nhất giữa dịch thuật có công chứng và dịch thuật thông thường nằm ở giá trị pháp lý của bản dịch. Và một trong những cách thức nhằm bảo đảm giá trị pháp lý của bản dịch có công chứng chính là nội dung Khoản 4, Điều 61, Luật Công chứng ngày 20/6/2014 đưa ra hệ tiêu chí nhằm xác định những loại văn bản, giấy tờ, tài liệu được phép dịch thuật có công chứng. Tìm hiểu toàn văn Khoản 4, Điều 61, Luật Công chứng ngày 20/6/2014, chúng tôi thấy các công chứng viên hoàn toàn có thể xác định được tiêu chí nêu tại Điểm b, Khoản 4, Điều 61, Luật Công chứng ngày 20/6/2014 một cách tương đối dễ dàng thông qua việc kiểm tra thật kỹ hình thức, hiện trạng của giấy tờ, tài liệu yêu cầu công chứng bản dịch. Tuy nhiên, đối với tiêu chí nêu tại Điểm a và Điểm c, Khoản 4, Điều 61, Luật Công chứng ngày 20/6/2014 kể trên, nhiệm vụ của công chứng viên trở nên nặng nề hơn rất nhiều. Nói cụ thể hơn, để xác định được hai tiêu chí vừa nêu, công chứng viên không những phải có một kiến thức pháp lý sâu rộng mà còn phải nắm chắc được nội dung của văn bản, tài liệu yêu cầu dịch thuật có công chứng. Trên thực tế, dựa vào kiến thức pháp lý cũng như kinh nghiệm công tác của bản thân, công chứng viên hoàn toàn có thể xác định chính xác các loại giấy tờ, tài liệu đáp ứng được hai tiêu chí kể trên khi tiến hành tiếp nhận, kiểm tra giấy tờ, tài liệu bằng tiếng Việt, do cơ quan, tổ chức của Việt Nam cấp, có yêu cầu dịch thuật sang tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, khi tiến hành tiếp nhận, kiểm tra giấy tờ, tài liệu bằng tiếng nước ngoài, do cơ quan, tổ chức của quốc gia đó cấp, có yêu cầu dịch thuật sang tiếng Việt, công chứng viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi một số nguyên nhân sau đây. Đầu tiên, công chứng viên không thể thông thạo tất cả các loại ngôn ngữ để có thể xác định ngay lập tức nội dung của giấy tờ, tài liệu yêu cầu dịch. Tiếp đó, công chứng viên cũng không thể có đủ kiến thức pháp lý nhằm kiểm tra xem giấy tờ, tài liệu đó có được cấp đúng thẩm quyền hay không. Đó là chúng tôi còn chưa kể đến tình trạng làm giả giấy tờ, tài liệu ngày càng phổ biến cũng như trở nên rất tinh vi, khó phát hiện. Do vậy, để đảm bảo tiêu chuẩn pháp lý của những loại giấy tờ, tài liệu yêu cầu dịch thuật công chứng từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp, công chứng viên cần phải tham chiếu nội dung Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 18/6/2009, Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự…
Thứ hai, chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký. Điều 77, Luật Công chứng ngày 20/6/2014 quy định “Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản của công chứng viên” như sau “1. Công chứng viên được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản.
2. Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng thực”. Có thể nói đây là những nhiệm vụ vừa mới nhưng lại vừa quen thuộc của hoạt động công chứng. Sở dĩ chúng tôi đưa ra nhận xét kể trên xuất phát từ lịch sự hình thành và phát triển chế định công chứng trong hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như bản chất pháp lý của hoạt động công chứng. Dưới đấy chúng ta hãy cùng tìm hiểu, phân tích nhận định kể trên.
Trước hết, chúng ta hãy cùng trở lại với nội dung Điều 17, Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 04/2012/NĐ-CP ngày 20/1/2012 ấn định trình tự “Thủ tục chứng thực chữ ký”, theo đó “1. Cá nhân yêu cầu chứng thực chữ ký của mình phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
a) Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác;
b) Giấy tờ, văn bản mà mình sẽ ký vào đó.
2. Người yêu cầu chứng thực phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực.
3. Người thực hiện chứng thực phải ghi rõ ngày, tháng, năm chứng thực; địa điểm chứng thực; số giấy tờ tùy thân của người yêu cầu chứng thực, ngày cấp, nơi cấp; chữ ký trong giấy tờ, văn bản đúng là chữ ký của người yêu cầu chứng thực; sau đó ký và ghi rõ họ, tên và đóng dấu của cơ quan có thẩm quyền chứng thực”. Trong khi đó, khi quy định về “Lời chứng của công chứng viên”, Khoản 1, Điều 46, Luật Công chứng ngày 20/6/2014 khẳng định “Lời chứng của công chứng viên đối với hợp đồng, giao dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ, tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; chứng nhận người tham gia hợp đồng, giao dịch hoàn toàn tự nguyện, có năng lực hành vi dân sự, mục đích, nội dung của hợp đồng, giao dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ trong hợp đồng, giao dịch đúng là chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người tham gia hợp đồng, giao dịch; trách nhiệm của công chứng viên đối với lời chứng; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng” còn “Lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; họ tên người phiên dịch; chứng nhận chữ ký trong bản dịch đúng là chữ ký của người phiên dịch; chứng nhận nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng” là nội dung Khoản 3, Điều 61, Luật Công chứng ngày 20/6/2014 kể trên. Từ nội dung các điều luật đã trích dẫn, trên cơ sở so sánh, đối chiếu với nội dung Khoản 1 và Khoản 6, Điều 40, Luật Công chứng ngày 20/6/2014, chúng ta thấy về mặt bản chất pháp lý, hành vi chứng thực chữ ký của cá nhân trên giấy tờ, tài liệu cho dù được gọi dưới cái tên chứng thực những vẫn chính là một bộ phận cấu thành nên hoạt động công chứng nói chung. Nói cụ thể hơn, cho dù trong hoạt động công chứng hay hoạt động chứng thực chữ ký, công chứng viên và người thực hiện chứng thực đều phải khẳng định được một cách chắc chắn một số nội dung như sau: địa điểm, thời điểm, cá nhân và/hoặc cơ quan thực hiện công chứng/chứng thực; sau khi xác định người yêu cầu công chứng/chứng thực thông qua giấy tờ tùy thân do họ xuất trình, công chứng viên, người thực hiện chứng thực phải xác định khả năng nhận thức, trạng thái tâm lý, tính tự nguyện... của những cá nhân kể trên cũng như chữ ký của từng cá nhân này thể hiện trên giấy tờ, tài liệu và/hoặc văn bản công chứng... Dưới góc độ lịch sử, chứng thực chữ ký cũng đã từng thuộc phạm vi thẩm quyền công chứng từ thủa sơ khai (xem Điểm 1, Phần I, Thông tư số 574/QLTPK ngày 10/10/1987 của Bộ Tư pháp hướng dẫn công tác công chứng Nhà nước nêu trên). Với cách nhìn như vậy, hiển nhiên hoạt động công chứng đã bao trùm toàn bộ lên hoạt động chứng thực. Do vậy, việc giao trả lại hoạt động chứng thực chữ ký cho công chứng viên thực hiện đã thể hiện một cái nhìn nhất quán của các nhà làm luật về bản chất pháp lý của hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực.
Nhìn một cách tổng thể, bên cạnh việc quy định trình tự, thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính, các nhà làm luật luôn có xu hướng giảm thiểu đến mức thấp nhất hoạt động mang tính chất “thị thực hành chính” kể trên. Xu thế kể trên được áp dụng ngay cả trong trường hợp việc “chứng thực bản sao từ bản chính” được gọi dưới cái tên “chứng thực” và giao cho Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền và/hoặc phòng tư pháp cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện (như quy định tại Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 04/2012/NĐ-CP ngày 20/1/2012) hay thuộc phạm vi thẩm quyền “công chứng” và được giao cho hệ thống tổ chức hành nghề công chứng giải quyết (như quy định tại Nghị định số 45/HĐBT ngày 27/02/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức và hoạt động công chứng Nhà nước hay Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực). Minh chứng cho nhận định kể trên chính là nội dung Điều 6, Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 04/2012/NĐ-CP ngày 20/1/2012 đề cập tới “Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao” theo đó “1. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính không được yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ bản sao là giả mạo thì có quyền xác minh.
2. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao không có chứng thực có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu phải ký xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính”. Tuy nhiên, cách thức quy định kể trên không mấy phát huy giá trị trên thực tế bởi lẽ những cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận bản sao thường không được trang bị kiến thức, công cụ nhằm xác định bản thật - bản giả hoặc kỹ năng nhằm phát hiện giấy tờ, tài liệu bị sửa chữa, tẩy xóa… nên thường vẫn yêu cầu đương sự nộp một giấy tờ, tài liệu dưới dạng bản sao được chứng thực. Đây chính là nguyên nhân gây lãng phí tiền bạc, thời gian… của công dân, tổ chức. Chính vì vậy, trong thời gian qua vấn đề chứng thực bản sao đã trở thành một “vấn nạn” cho cả người thực hiện chứng thực lẫn người có nhu cầu sử dụng. Theo nhận định của cá nhân chúng tôi, việc mở rộng chủ thể có quyền thực hiện chứng thực bản sao bằng cách giao thêm thẩm quyền chứng thực bảo sao từ bản chính cho công chứng viên thực hiện sẽ giúp giảm áp lực công việc chứng thực cho hệ thống Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền và/hoặc phòng tư pháp cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nhưng vẫn không phải là biện pháp mang tính căn cơ. Theo quan điểm của cá nhân chúng tôi, vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta phải giảm được nhu cầu sử dụng bản sao có chứng thực trên thực tế. Để làm rõ thêm lập luận kể trên, chúng tôi xin đơn cử một ví dụ. Hiện nay, khi đăng ký thi đại học, cao đẳng, các thí sinh thường phải nộp kèm theo bản sao rất nhiều loại giấy tờ như giấy chứng nhận đối tượng ưu tiên, học bạ trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời... và đây chính là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho nhu cầu chứng thực bản sao tăng vọt trong những khoảng thời gian nhất định trong năm. Theo suy nghĩa của chúng tôi, nếu chúng ta cho phép thí sinh dự thi đại học, cao đẳng tự khai và tự chịu trách nhiệm về lời khai của mình thì sẽ giảm thiểu được đáng kể nhu cầu bản sao kể trên, bởi lẽ lúc này chúng ta chỉ cần thực hiện chứng thực bản sao cho số lượng thí sinh trúng tuyển, làm thủ tục nhập học vào một trường đại học, cao đẳng thay vì phải chứng thực bản sao hồ sơ cho toàn bộ thí sinh tham dự kỳ thi tuyển chọn đầu vào cho tất cả các nguyện vọng thi của họ.
Thứ ba, vị trí, vai trò của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên. Điều 39, Luật Công chứng ngày 20/6/2014 quy định “Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên” như sau “1. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên là tổ chức tự quản được thành lập ở cấp trung ương và cấp tỉnh để đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các công chứng viên; ban hành quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; tham gia cùng cơ quan nhà nước trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập sự hành nghề công chứng; tham gia ý kiến với cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên, thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng và thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến hoạt động công chứng theo quy định của Chính phủ.
2. Chính phủ quy định chi tiết về việc thành lập, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên”. Ngoài nội dung điều luật kể trên, khi tìm hiểu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, chúng ta không thể bỏ qua các quy định của pháp luật hiện hành về hội. Hiện nay các quy định về hội đang được ghi nhận tại Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20/5/1957 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Luật quy định quyền lập hội, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, Thông tư số 11/2010/TT-BNV ngày 26/11/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội… Căn cứ nội dung Khoản 1, Điều 2, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, theo đó “Hội được quy định trong Nghị định này được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan”, chúng tôi thấy về mặt nguyên tắc hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cũng như tăng cường sự hợp tác giữa các hội viên. Về thẩm quyền cho phép thành lập hội, Điều 14, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội nêu rõ “1. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh. Căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã”. Như vậy, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên sẽ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập ở cấp trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép thành lập ở cấp tỉnh.
Tham khảo nội dung các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực hội, chúng ta thấy nếu lấy phạm vi hoạt động theo lãnh thổ làm tiêu chí, sẽ có tối đa bốn hình thức tổ chức hội và ở mỗi hình thức tổ chức hội khác nhau, yêu cầu về số lượng thành viên tối thiểu cũng không giống nhau. Tuy nhiên, cũng còn có một cách phân định khác dựa trên quyền hạn và nhiệm vụ của hội. Theo cách phân định thứ hai, chúng ta sẽ có hai loại hội cơ bản. Thứ nhất là hội thông thường và thứ hai là hội có tính chất đặc thù. Điều 34, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội khi đề cập đến “Quyền, nghĩa vụ của hội có tính chất đặc thù”, theo đó “1. Quyền của hội có tính chất đặc thù:
a) Tham gia với các Bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về lĩnh vực hoạt động của hội;
b) Tham gia thực hiện một số hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ công thuộc lĩnh vực hoạt động của hội theo quy định của pháp luật;
c) Tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chính sách, chương trình, đề tài, dự án do cơ quan nhà nước yêu cầu về các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của hội theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
2. Nghĩa vụ của hội có tính chất đặc thù:
a) Tập hợp, nghiên cứu ý kiến, kiến nghị của các hội thành viên, hội viên theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hội để tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước;
b) Tập hợp các chuyên gia đầu ngành, các chuyên gia giỏi ở các hội thành viên và các tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ được giao, thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội;
c) Tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động của hội theo quy định của pháp luật”. Sau khi tìm hiểu nội dung Điều 39, Luật Công chứng ngày 20/6/2014 như đã trích dẫn kể trên trong tương quan so sánh với Điều 34, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, chúng ta thấy tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên là hội có tính chất đặc thù. Điều này có nghĩa tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên sẽ đóng một số vài trò quản lý nhất định đối với hoạt động công chứng dưới hình thức tự quản. Và để đảm bảo khả năng, hiệu lực tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, Điểm h, Khoản 2, Điều 17, Luật Công chứng ngày 20/6/2014 khẳng định công chứng viên có nghĩa vụ “Tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên”. Như vậy, dường như tính chất hoàn toàn “tự nguyện” đối với việc tham gia tổ chức hội không còn được bảo toàn một cách nguyên vẹn đối với tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên. Theo nhận định của cá nhân chúng tôi, đây là một quy định hoàn toàn cần thiết và phù hợp với tính chất quyền lực công của hoạt động công chứng.
Tìm hiểu toàn văn nội dung Khoản 1, Điều 39, Luật Công chứng ngày 20/6/2014, chúng tôi thấy người ta có thể chia nhiệm vụ quyền hạn của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên thành hai nhóm chính. Nhóm thứ nhất bao gồm các nhiệm vụ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công chứng viên trong khi nhóm thứ hai thể hiện vai trò quản lý mang tính chất tự quản của hội. Trong nhóm nhiệm vụ thứ nhất, chúng tôi rất quan tâm đến nhiệm vụ “tham gia cùng cơ quan nhà nước trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập sự hành nghề công chứng” của hội. Do công chứng là hoạt động bổ trợ tư pháp còn tương đối mới mẻ, thêm vào đó một bộ phận không nhỏ công chứng viên lại hầu như không có kinh nghiệm hành nghề nên trong thời gian vừa qua mặc dù các cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động công chứng đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu sai sót về mặt chuyên môn, nghiệp vụ nhưng kết quả vẫn còn ở mức độ hạn chế. Chính vì vậy, việc phát huy khả năng tự chia sẻ, học hỏi, trao đổi nghiệp vụ giữa các công chứng viên với tư cách đồng nghiệp sẽ nhanh chóng phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ công chứng cung cấp cho người có yêu cầu. Theo đánh giá của chúng tôi, đây là một hướng đi mới nhằm giảm tải gánh nặng cho cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động công chứng nhưng vẫn đạt được mục tiêu đề ra. Hơn thế nữa, từ kinh nghiệm thực tế công tác của bản thân, chúng tôi khẳng định rằng với những nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật trao cho (xem Điều 39, Luật Công chứng ngày 20/6/2014), tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên còn có thể trợ giúp đắc lực cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng theo nội dung Điều 62, Luật Công chứng ngày 20/6/2014.
Tóm lại, trên đây chúng tôi đã trình bày, phân tích ba điểm mới có tính chất nổi trợ nhất trong nội dung Luật Công chứng ngày 20/6/2014. Trong số ba quy định kể trên, có quy định hoàn toàn mới, chưa từng tồn tại trong các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực công chứng nhưng cũng có quy định đã từng thuộc phạm vi thẩm quyền của công chứng trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy từng quy định sẽ có ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau đối với hoạt động công chứng trong thời gian tới nhưng rõ ràng chúng ta cần có cách hiểu, cách vận dụng xác đáng những quy định kể trên để có thể đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức một cách tốt nhất khi họ sử dụng dịch vụ công chứng./.
*Bài viết này đã được đăng trên “Tạp chí Dân chủ và Pháp luật” (Bộ Tư pháp) - Số tháng 11 (272) năm 2014*